Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Bị hoại tử chân sau khi xóa hình xăm

Chân trái của bệnh nhân ở Thanh Hóa bị bỏng độ 3 sau khi xóa hình xăm bằng laser tại một thẩm mỹ viện tư nhân.

Tuần trước, bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) trong tình trạng bị bỏng nặng vùng cẳng chân trái, chảy dịch, loét rộng và sâu, lộ gân cơ. Bệnh nhân đau nhiều, sưng phù cẳng chân, bàn chân, sưng lan lên đùi.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bỏng độ 3 vùng cẳng chân trái, chỉ định tiêm truyền chống viêm, bù dịch và xử lý vết bỏng. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, vết bỏng không sưng, chảy dịch ít.
Bệnh nhân bị bỏng nặng sau khi xoá hình xăm. Ảnh: T.N
Bệnh nhân bị bỏng nặng sau khi xoá hình xăm. Ảnh: T.N
Trước khi vào viện 5 ngày, bệnh nhân đến một thẩm mỹ viện tư nhân để xóa vết xăm bằng laser ở cẳng chân trái. Trong quá trình xóa xăm, bệnh nhân bị bỏng laser nhưng không điều trị. Về nhà, thấy vết bỏng nặng, bệnh nhân quay lại thẩm mỹ viện được nhân viên ở đây cho thuốc kháng sinh và thuốc mỡ bôi da.
Bác sĩ Đồng Thanh Thiện, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho biết, vùng cẳng chân bệnh nhân đã có dấu hiệu hoại tử, da thâm đen, loét chảy dịch lẫn máu. Nếu không vào viện điều trị kịp thời bệnh nhân nguy cơ hoại tử nặng, gây viêm xương cẳng chân, ảnh hưởng chức năng vận động và thẩm mỹ.
Xóa xăm bằng laser là phương pháp phổ biến hiện nay. Cơ chế của phương pháp này là dùng laser để phá vỡ sự liên kết giữa các phần mực xăm, sau đó các mảnh nhỏ li ti sẽ thẩm thấu vào da, rồi được đào thải ra ngoài theo cơ chế bài tiết tự nhiên. Sau những liệu trình xóa xăm, bệnh nhân có thể bị chảy máu, bị sưng tấy, đau đớn. 
Bác sĩ Đồng Thanh Thiện khuyến cáo,  nên đến cơ sở y tế có uy tín, cũng như phương pháp xóa xăm an toàn để xử lý hình xăm. Những trường hợp có hình xăm lớn nên xóa thành nhiều lần, không nên xóa một lần. Nếu có dấu hiệu bất thường người bệnh phải đi khám ngay.

Gần 90% trẻ dị tật vùng sọ mặt chưa được chữa trị

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 5.000 trẻ chào đời với dị tật bẩm sinh vùng sọ mặt, chỉ 10-15% bệnh nhân được phẫu thuật.

Thông tin được Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết tại lễ khai trương Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình của bệnh viện, sáng 4/12.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm độc chất và ô nhiễm môi trường, trong đó trên 150.000 nạn nhân là trẻ em. Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có hơn 5.000 trẻ em sinh ra mắc dị tật vùng sọ mặt, tỷ lệ 1 ca dị tật trên 700 ca sinh. 
Trong khi đó, năng lực các cơ sở y tế hiện nay chỉ có thể phẫu thuật, điều trị tình trạng dị tật ở tầng sọ giữa và dưới (từ sàn ổ mắt xuống vùng cằm). Những khuyết tật sọ mặt phức tạp tầng trên và nền sọ vẫn là thách thức.
Trong số 1.200 ca phẫu thuật sửa dị tật mỗi năm, phần lớn do các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ.
Bệnh nhi đang chờ phẫu thuật tại Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình. Ảnh: Đ.T
Bệnh nhi đang chờ phẫu thuật tại Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình. Ảnh: Đ.T.
Giáo sư Bàng cho biết, để điều trị cho bệnh nhân mắc các khuyết tật vùng sọ mặt cần có đội ngũ thầy thuốc chuyên sâu thuộc nhiều ngành như Tạo hình - Hàm mặt, Phẫu thuật Thần kinh, Tai mũi họng, Răng hàm mặt, Mắt, Gây mê hồi sức, Hồi sức tích cực và Phục hồi chức năng. Trang thiết bị y tế cũng phải hiện đại.
Chi phí điều trị cho một ca phẫu thuật sọ mặt phức tạp rất lớn và không nằm trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế. Vì thế, những bệnh nhân nghèo không có đủ khả năng kinh tế để chi trả phải cam chịu với số phận.
Bệnh viện Trung ương 108 hợp tác với tổ chức Facing The World chuyên về phẫu thuật sọ mặt của Anh, thành lập Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình. Trung tâm ứng dụng các kỹ thuật điều trị và trang thiết bị hiện đại, nhằm điều trị hiệu quả cho bệnh nhân và hỗ trợ nhân đạo. 
Facing The World là tổ chức nhân đạo có sự tham gia của rất nhiều phẫu thuật viên, chuyên gia y tế hàng đầu trong lĩnh vực phẫu thuật sọ mặt và tạo hình. Trong 10 năm qua, Facing The World đã triển khai các hoạt động phẫu thuật nhân đạo cho hơn 1.200 bệnh nhân nghèo Việt Nam thông qua các chương trình phẫu thuật từ thiện.

Giảm 8 kg mới phát hiện ung thư dạ dày di căn

Suốt 5 tháng cứ ăn vào là nôn, người phụ nữ giảm 8 kg, bác sĩ phát hiện ung thư dạ dày đã di căn vào buồng trứng.

Bệnh nhân 39 tuổi là người dân tộc Tày ở Hà Giang, phát hiện ung thư dạ dày vào năm ngoái, đã cắt 4/5 dạ dày và điều trị hóa chất 8 chu kỳ. Cuối tháng 11, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, kết quả u tái phát, di căn vào buồng trứng. Bệnh nhân phải cắt toàn bộ tử cung, phần phụ và tiếp tục điều trị hóa chất.
Bệnh nhân cho biết trước khi phát hiện bệnh, chị chán ăn, nôn kéo dài liên tục 5 tháng khiến chị sụt 8 kg. Nghĩ bị đau dạ dày nên chị tự mua thuốc về uống. Khi cơn đau càng dữ dội chị mới đến bệnh viện khám mới phát hiện ung thư đã di căn.
Bác sĩ Thân Ngọc Minh, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết bệnh viện tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày. Đa số bệnh nhân vào viện khi ung thư đã ở giai đoạn muộn. Nhiều người rất trẻ, dưới 30 tuổi.
Bệnh nhân đang được theo dõi sau mổ cắt phần di căn do ung thư dạ dày, Ảnh: L.N.
Bệnh nhân đang được theo dõi sau mổ cắt phần di căn do ung thư dạ dày, Ảnh: L.N.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư dạ dày tại Việt Nam đứng thứ 3 sau ung thư gan, ung thư phổi. Mỗi năm Việt Nam có hơn 17.500 ca mắc mới, trong đó trên 15.000 bệnh nhân tử vong (86%). Tỷ lệ bệnh nhân ung thư dạ dày tử vong cao do đến 90% phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ, điều trị gặp nhiều khó khăn.
Thực tế ung thư dạ dày khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Thời gian đầu bệnh không gây triệu chứng. Đến khi ung thư đã di căn gây đau vùng thượng vị, đầy bụng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhân có thể bị suy nhược toàn thân, gầy sút nhanh, buồn nôn và nôn, nôn ra máu hoặc đại tiện ra máu..
Đến nay, ung thư dạ dày vẫn chưa rõ nguyên nhân. Các nhà khoa học chỉ mới tìm ra những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày. Trong đó, khoảng 70% bệnh nhân do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), 10% vì di truyền. Chế độ ăn uống, hút thuốc lá, căng thẳng kéo dài... cũng có thể dẫn tới ung thư dạ dày.

Sản phụ sinh ba bé gái đều nặng trên 2 kg

Sản phụ 24 tuổi mang tam thai tự nhiên, được các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An mổ sinh thành công. 

Ở tuần thai thứ 35, sản phụ đau bụng chuyển dạ và được gia đình đưa vào Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đêm 1/12. Bác sĩ chỉ định mổ bắt con.
Kíp mổ gồm ba bác sĩ và hai hộ sinh mất 40 phút để đưa các cháu bé chào đời. Hai bé gái cùng cân nặng 2,2 kg và bé còn lại nặng 2 kg đều khỏe mạnh.
Đến sáng nay, 3 ngày sau khi chào đời, sức khỏe các bé cùng với mẹ đều ổn định. 
Ba bé gái đang được chăm sóc tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Ba bé gái đang được chăm sóc tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Đây là lần sinh thứ hai của sản phụ. Lần trước chị sinh một con.  
Theo các bác sĩ, trường hợp mang tam thai tự nhiên khá hiếm gặp với tỷ lệ 1/8.000 ca. Bà bầu mang đa thai thường đối mặt với nhiều biến chứng thai kỳ hơn bình thường. Thai phụ dễ bị cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, nguy cơ tai biến do nhau bám rộng làm đờ tử cung, băng huyết. Đa thai cũng thường dẫn đến sinh non. 

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

Bữa ăn nhiều màu sắc giúp phòng ngừa ung thư

Thực phẩm có màu sắc tự nhiên như đậu, rau, dứa, cà rốt, cà chua... chứa các hoạt chất bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của ung thư.

Trong cuốn sách "What Color is Your Diet?" của chuyên gia dinh dưỡng David Heber cho biết chế độ ăn uống có nhiều màu sắc, hàm lượng dinh dưỡng đa dạng có thể bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của ung thư, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TP HCM, cho biết theo y học cổ truyền, cơ thể con người có ngũ hành: mộc, hỏa, thổ, kim, thủy thì thực phẩm cũng tương ứng bằng ngũ sắc: xanh, đỏ, vàng, trắng, đen. Các loại thực phẩm với màu sắc tự nhiên đặc trưng khác nhau sẽ chứa các chất dinh dưỡng cần thiết đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
Màu tự nhiên của thực phẩm cung cấp nhiều vitamin, khoáng tố nuôi dưỡng cơ thể và chống lại bệnh tật. Ảnh: SB
Màu tự nhiên của thực phẩm cung cấp nhiều vitamin, khoáng tố nuôi dưỡng cơ thể và chống lại bệnh tật. Ảnh: SB
Thực phẩm màu xanh lá cây
Trái cây và rau xanh chứa một hàm lượng cao phytochemicals như lutein và indole. Bông cải xanh nhiều canxi và sắt bảo vệ răng, xương, cơ bắp và giảm nguy cơ ung thư. Rau bina, chứa chất chống ô xy hóa và vitamin K, giúp xương chắc khỏe. Kiwi xanh có nhiều folate, vitamin E và glutathione giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Nhiều loại thực phẩm có màu xanh lá cây khác như bơ, táo xanh, nho xanh, đậu xanh, dưa chuột, hành lá, đậu Hà Lan...
Thực phẩm màu đỏ
Chứa nhiều hợp chất phytochemical như caroten, lycopene và anthocyanin. Các hợp chất này giúp cải thiện trí nhớ, hỗ trợ tuần hoàn máu. Những người ăn nhiều loại rau củ quả chứa carotenoid giảm được 43% tỷ lệ bị bệnh thoái hóa hoàng điểm - nguy cơ gây mù lòa ở tuổi già và giảm 36% nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ. Các loại quả màu đỏ tự nhiên gồm cà chua, anh đào, dâu tây, dưa hấu, bưởi hồng, đậu đỏ, táo đỏ, nho đỏ, lê đỏ...
Thực phẩm màu vàng
Chứa các chất dinh dưỡng bảo vệ da, mắt, tăng cường sức khỏe tiêu hóa và não bộ. Trái dứa nhiều men bromelain hỗ trợ tiêu hóa, trung hòa các chất dịch cơ thể; vitamin C phòng bệnh tim, đột quỵ, ung thư. Quả khế nhiều vitamin C và canxi tăng cường hệ miễn dịch, sức khỏe xương và ngăn sự co thắt cơ bắp. Ngoài ra còn có bắp vàng, táo vàng, chanh dây, lê vàng, dưa hấu vàng, cà chua vàng và bí vàng.
Thực phẩm màu trắng
Các loại nấm và trái cây màu trắng chứa các chất dinh dưỡng giúp giảm cholesterol, huyết áp, tăng cường miễn dịch, hệ thống bạch huyết và phục hồi sự suy thoái của tế bào. Tỏi, hẹ, hành tây có vị nồng giàu các quercetin là liều thuốc kháng sinh mạnh bảo vệ và ngăn chặn sự hình thành khối u. Một vài loại thực phẩm màu trắng khác như gừng, củ cải, bắp trắng, hẹ tây, khoai tây, nấm bào ngư, nấm đùi gà, nấm hương, su hào... 
Thực phẩm màu tím hoặc đen
Thực phẩm màu tím và đen chứa nhiều chất chống ôxy hóa, chất xơ, vitamin C, canxi, phốt pho. Các chất này giúp tăng lưu thông máu của hệ tuần hoàn, thúc đẩy sức khỏe của xương, hoạt động não bộ, cải thiện trí nhớ và giảm nguy cơ gây ung thư. Một số thực phẩm như cà tím, nho đen, quả việt quất, sung tím, nho tím, bắp cải tím, khoai lang tím đậu đen... 
Thực phẩm màu cam
Màu da cam hoặc màu vàng chứng tỏ các loại rau, quả đó có chứa vitamin C rất tốt để bảo vệ các tế bào trên cơ thể con người. Nó cũng chứa betacryptoxanthin, một trong nhiều thành phần của carotenoids. Đây là chất dinh dưỡng có thể có từ cam, và mật hoa. 
Ăn thực phẩm màu cam hỗ trợ cho sức khỏe của da và mắt, tăng khả năng miễn dịch và giảm nguy cơ ung thư. Thực phẩm gồm cà rốt, cam, khoai lang, dưa lưới, xoài, xuân đào, đu đủ, hồng, quýt, bí đỏ...

4 tác hại khi uống nước soda

Soda là thức uống chứa nhiều đường nên có hại với men răng, nguy cơ gây tiểu đường, bệnh tim, tăng cân. 

Theo Medical Daily, đồ uống có đường được giới trẻ yêu thích song ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 
Ảnh: MedicalDaily
Ảnh: MedicalDaily
Không tạo cảm giác no
Carbohydrates lỏng có nhiều trong đồ uống có đường như soda, không tạo cảm giác no và gây đầy bụng. Do đó bạn có xu hướng ăn nhiều hơn để chống đói.
Ảnh hưởng sức khỏe răng miệng
Đồ uống có đường thường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Soda không đường vẫn chứa axit làm suy yếu men răng. Các axit photphoric và axit xitric trong soda có thể tấn công men răng chỉ trong 20 phút sau khi uống.
Càng uống nhiều soda, men răng càng yếu. Về lâu dài men răng yếu sẽ dẫn đến sâu răng, nhất là với trẻ em vì răng chưa hoàn thiện, rất dễ tổn thương. 
Tiểu đường tuýp 2
Theo một nghiên cứu từ trường Đại học Harvard, uống một đến hai chai đồ uống có đường mỗi ngày có thể làm tăng 25% nguy cơ tiểu đường tuýp 2. Thừa đường làm tăng đột biến lượng đường trong máu, nguy cơ kháng insulin cao. 
Nguy cơ tử vong do bệnh tim
Nghiên cứu tại Đại học Emory chỉ ra mối liên hệ giữa đồ uống có đường và số ca tử vong do bệnh động mạch vành. "Uống hai chai soda mỗi ngày làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do bệnh tim", tiến sĩ Jean Welsh, trợ lý giáo sư nhi khoa tại Emory cho biết.

Ăn hạt dẻ đúng cách để tốt cho sức khỏe

Hạt dẻ nên ăn trong các bữa phụ lúc 9h hoặc 15h để tránh ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.  

Hạt dẻ với hương vị thơm ngọt là món ăn được ưa chuộng khi trời se lạnh. Tuy nhiên, theo Xinhua, mới đây một cô gái Trung Quốc 25 tuổi đã bị chảy máu dạ dày do ăn quá nhiều hạt dẻ. Khi ăn hạt dẻ cần lưu ý những điều sau:
Chỉ ăn ở mức vừa phải
Hạt dẻ chứa nhiều vitamin B2 và protein hơn so với gạo hay các loại mì. Một số nơi còn coi hạt dẻ là nguồn lương thực chính bởi vì lượng tinh bột phong phú lại ít chất béo.
Tuy nhiên, ăn quá nhiều hạt dẻ sẽ dẫn đến trướng bụng, đầy hơi, thậm chí nôn mửa và chảy máu dạ dày. Mỗi ngày một người bình thường chỉ nên ăn tối đa 10 hạt dẻ. 
Ảnh: Sohu.
Ảnh: Sohu.
Tránh dùng đường khi chế biến
Một số người thích ngâm hạt dẻ với nước đường sau đó mới nướng hoặc rang để tăng thêm hương vị mà không biết sẽ gây hại cho sức khỏe. Tốt nhất, bạn nên chế biến hạt dẻ bằng cách luộc, hầm. 
Thời gian ăn hạt dẻ
Hạt dẻ nhiều tinh bột nên chỉ ăn trong bữa phụ lúc 9h sáng hoặc 15h chiều. Ăn hạt dẻ ngay sau bữa chính sẽ cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa. 
Người nên hạn chế ăn hạt dẻ
Người già và trẻ nhỏ nên hạn chế ăn hạt dẻ vì hệ tiêu hóa và hô hấp chưa được hoàn thiện. Người có các vấn đề về dạ dày cũng không nên ăn hạt dẻ để hệ tiêu hóa không phải làm việc quá sức. 
Người bị tiểu đường cần tránh hạt dẻ bởi làm tăng lượng đường trong máu. 

Những loại cá tốt cho sức khỏe bạn nên ăn

Cá hồi dồi dào omega 3 ngăn ngừa bệnh tim mạch, cá rô vị ngọt tính bình thích hợp với người mới ốm dậy.

Cá là thực phẩm giàu đạm và omega 3, một loại axit béo lành mạnh mà cơ thể không tự sản xuất ra được. Omega 3 đóng vai trò thiết yếu trong não và được chứng minh làm giảm viêm, giảm nguy cơ bệnh tim, có lợi cho sự phát triển thai nhi trong bụng mẹ.
Theo Healthline, Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyên nên bổ sung cá trong thực đơn hàng ngày. Một số loại cá có hàm lượng omega 3 cao như cá hồi, cá mòi, cá ngừ nên ăn ít nhất 2 lần một tuần.
Tuy nhiên, những loại cá này có thể tồn dư hàm lượng thủy ngân và chất thải độc có hại, đặc biệt là cá mập, cá kiếm, cá thu và cá lát gạch. Vì vậy trẻ nhỏ và phụ nữ có thai nên lưu ý khi ăn. 
Dưới đây là những loại cá tốt cho sức khỏe :
Cá hồi
Cá hồi dồi dào Omega 3 nhất. Trong 100 g cá hồi có 2,3 g Omega 3, tác dụng giảm lượng cholesterol trong cơ thể, duy trì tính linh hoạt của động mạch, tĩnh mạch và tăng cường cơ tim. Omega 3 cũng được cho là có tác dụng giảm huyết áp và ngăn ngừa cứng thành động mạch.
Các protein trong cá hồi giúp cơ thể dễ tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng. Cá hồi rất giàu vitamin và khoáng chất thiết yếu như sắt, canxi, phốt pho, selen, vitamin A, D, B. Đây là những dưỡng chất cần thiết cho sự chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể người.
Cá rô
Cá rô là món ăn rất tốt cho người mới ốm dậy.
Cá rô là món ăn rất tốt cho người mới ốm dậy.
Cá rô sống ở cả nước mặn và nước ngọt. Trong Đông y, thịt cá rô có vị ngọt, tính bình, bổ hư, nhuận tràng, ích khí, người ăn có cảm giác khỏe khoắn, bớt đau đầu nhức mỏi. Canh cá rô đồng, bánh đa cá rô đồng... là món ăn rất tốt cho người mới ốm dậy.
Cá ngừ
Cá ngừ tươi hay cá ngừ đóng hộp đều vẫn giữ được vị ngon và giá trị dinh dưỡng. Trong 100 g cá ngừ chứa 184 calo, 30 g đạm, 10 mg canxi, 64 mg magie và các loại vitamin A, B, B6, B12... ngăn ngừa xơ vữa động mạch, ngừa thiếu máu thiếu sắt. Ngoài ra, cá ngừ ít chất béo nhưng rất giàu protein và DHA, có thể cân bằng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, thúc đẩy sự tái sinh của tế bào não, cải thiện trí nhớ.
Cá trích
Cá trích thon dài, ít vảy, nhiều thịt, ít có vị tanh. Theo các chuyên gia, đây là loài cá rất giàu chất dinh dưỡng, còn được gọi là "cá béo" bởi dầu trong cá trích chứa nhiều axit béo Omega 3 có lợi cho trí óc. Loại cá này thường được hun khói, đóng túi để bảo quản được lâu mà không mất đi giá trị dinh dưỡng.
Cá thu
Đây là loài cá biển có hình dáng thuôn dài, khá giống cá ngừ nhưng nhỏ hơn. Cá thu chứa nhiều chất béo lành mạnh, được chứng minh làm giảm huyết áp, giảm sự tích tụ máu đông trong động mạch.
Cá tuyết
Cá tuyết có thớ thịt trắng, hương vị nhẹ, cung cấp phốtpho, niacin và vitamin B12. Trong 100 g cá tuyết có một g chất béo, 15-20 g protein, 90 calo. Ngoài ra cá tuyết còn có vitamin A, C, canxi và nhiều khoáng chất, vitamin khác như E, D. Các nhà khoa học đã bào chế dưỡng chất trong cá tuyết thành dược liệu chữa bệnh. Người bị viêm khớp dùng dầu chiết xuất từ gan cá tuyết sẽ giảm thoái hóa các khớp sụn.
Ngoài ra, selen, vitamin B12 và vitamin D trong cá tuyết có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
Cá mòi
Cá mòi giàu chất béo lành mạnh và các loại vitamin. Loại cá này được bán dưới dạng đóng hộp, kể cả xương và da cá cũng nhiều dinh dưỡng.