Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

Cách làm đẹp da giúp trẻ lại 10 tuổi

Căng da mặt bằng chỉ, tiêm botox hoặc chất làm đầy, trẻ hóa da với ánh sáng IPL, laser... cải thiện làn da, chống nhăn giúp bạn trẻ lại.
Bác sĩ Thạch Văn Toàn, Khoa Da liễu, Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết để xóa đi làn da chảy xệ, các bác sĩ cần nhiều biện pháp, đặc biệt hạn chế xâm lấn. Các giải pháp mang lại hiệu quả sau vài ngày đến vài tuần và kéo dài hàng năm.
Căng da mặt bằng chỉ
Đây là thủ thuật nhỏ, làm căng da, chống chảy xệ và giúp da trẻ hóa một cách tự nhiên bằng cách đưa các sợi chỉ y khoa nhỏ tự tiêu vào trong da.
Theo bác sĩ Thanh, hiện có nhiều nơi quảng cáo căng da mặt bằng chỉ vàng. Đây là loại chỉ không tiêu, nên thận trọng tối đa khi sử dụng loại chỉ này. Trong y khoa, chỉ không tiêu thường dùng trong phẫu thuật để khâu vết thương như chỉ silk, chỉ nilon, chỉ polyester... Loại chỉ này không được dùng trong căng da mặt.
Da là một cấu trúc sinh học sống và thay đổi theo thời gian. Khi chỉ vàng nằm vĩnh viễn trong da dễ đưa đến tình trạng di lệch vị trí sợi chỉ, tình trạng cơ thể phản ứng với vật lạ do nằm lâu trong cơ thể. Chưa kể sau này khi cần làm các phương pháp chụp CT scan, chụp MRI sẽ gặp khó khăn và gây sai lệch kết quả, thậm chí có thể gây cháy xém da trên bề mặt do các kỹ thuật sử dụng các loại sóng như RF... 
Căng da mặt bằng chỉ tự tiêu sau 6 đến 24 tháng, chỉ được chia làm hai loại là chỉ có gai và không có gai. Chỉ có gai giúp nâng, kéo nâng da mặt, chống chảy xệ, được gọi là nâng da mặt theo cơ chế cơ học. Chỉ không gai có tác dụng qua cơ chế kích thích tăng sinh collagen nên giúp cải thiện tình trạng da chảy xệ, da mặt săn chắc hơn và tăng độ đàn hồi cũng như độ căng bóng của làn da.
Khuôn mặt bị lão hóa sẽ có các dấu hiệu da bị chùng nhão, chảy xệ, xuất hiện nhiều lõm hốc, rãnh và nếp nhăn... Các dấu hiệu này đều có thể được cải thiện đáng kể bằng căng da mặt bằng chỉ tự tiêu. Sau khi làm xong, ngoài tác dụng của nâng da mặt cơ học của chỉ gai, da được kích thích tăng sinh collagen nên hiệu quả trẻ hóa rõ rệt và sẽ kéo dài đến 24 tháng.
Căng da mặt bằng chỉ được xếp vào nhóm thủ thuật ít xâm lấn, thời gian làm thủ thuật không quá lâu, khoảng hơn một tiếng và chỉ khoảng 1-2 ngày sau có thể đi làm bình thường. Phương pháp này dần thay thế căng da mặt bằng phẫu thuật vì khách hàng cảm thấy nhẹ nhàng, không phải trải qua cuộc phẫu thuật, phục hồi và cho hiệu quả nhanh, không cần thời gian nghỉ dưỡng lâu.
Trẻ hóa da bằng chất làm đầy hyaluronic acid
Theo bác sĩ Phạm Đình Lâm, tùy cấu trúc da, bác sĩ da liễu sẽ khám, kiểm tra và kết hợp mong muốn của khách hàng, có thể chỉ định trị liệu căng da mặt bằng chỉ hoặc phối hợp với các công nghệ khác như laser tái tạo da, tiêm xóa nhăn bằng botulinum toxin, tiêm trẻ hóa da bằng chất làm đầy hyaluronic acid.
Theo tuổi tác, làn da mất dần đi collagen, độ đàn hồi và hyaluronic acid, dẫn đến sự hình thành các nếp nhăn, chủ yếu xuất hiện xung quanh má, quai hàm, mũi, mắt và vùng miệng. Việc tiêm chất làm đầy, hiện nay là hyaluronic acid được ưa dùng nhất, vào các vùng nhăn giúp cải thiện sự lão hóa của da.
Khi sử dụng như một phương pháp điều trị chống lão hóa, chất làm đầy giúp cải thiện hình dạng, cấu trúc và thể tích của làn da nhăn nheo trong 6 tháng đến 2 năm tùy loại cấu trúc phân tử. Điều nổi bật là chất làm đầy hyaluronic acid, không giống chất làm đầy truyền thống có chứa collagen, không gây phản ứng dị ứng.
Một số phương pháp khác
Bác sĩ Trần Quỳnh Như Ngọc, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết khoảng thời gian cận Tết, muốn nhanh chóng thon gọn khuôn mặt, săn chắc, giảm chảy xệ, có thể dùng phương pháp Ulthera và Thermage. Hai công nghệ này đưa nhiệt vào sâu trong da, sau một lần điều trị có thể giúp trẻ 5-10 tuổi mà không cần dao kéo phẫu thuật.
Phương pháp Ulthera và Thermage đưa nhiệt vào sâu trong da, trẻ hoá nhanh sau một lần điều trị. Ảnh do Bệnh viện Da liễu TP HCM cung cấp.
Phương pháp Ulthera và Thermage đưa nhiệt vào sâu trong da, trẻ hoá nhanh sau một lần điều trị. Ảnh do Bệnh viện Da liễu TP HCM cung cấp.
Theo bác sĩ Phan Ngọc Huy, tiêm botox và chất làm đầy với thành phần chủ yếu là acid hyaluroniccũng giúp xoá nhăn và tạo đường nét khuôn mặt một cách nhanh chóng như tạo hình mũi, cằm V-line. Bên cạnh đó, tiêm vi điểm có thể giúp da căng bóng, mịn màng đón Tết. Các phương pháp tiêm chích nếu thực hiện đúng kỹ thuật, với sản phẩm chất lượng sẽ mang lại hiệu quả điều trị tốt, an toàn. 
Trẻ hóa da với ánh sáng IPL, laser QS, laser Pico, tái tạo da sinh học... cũng được nhiều người lựa chọn ngày cận Tết vì không xâm lấn.
Theo bác sĩ Lê Thảo Hiền, Bệnh viện Da liễu TP HCM, những ngày Tết nếu không đi chơi, chỉ nghỉ ngơi thư giãn, bạn có thể tranh thủ điều trị laser vi điểm, RF vi điểm, lăn kim nếu bị lão hóa da, sẹo mụn, sẹo xấu. Các phương pháp này tạo ra những vi thương tổn trên da, song kích thích tái tạo collagen cũng như tái tạo bề mặt da. Sau điều trị, da sẽ đỏ và bong mày trong khoảng 3-7 ngày nên cần nghỉ dưỡng.
Lưu ý bảo vệ da 
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ tuổi của làn da như gene, thói quen hàng ngày, môi trường, tuổi tác. Yếu tố quan trọng phá hoại làn da khác là tác hại của ánh nắng mặt trời dẫn đến sự đổi màu da và nếp nhăn sâu. Cần bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời như sử dụng kem chống nắng, mặc quần áo bảo vệ và tìm bóng râm khi hoạt động ngoài trời.
Cạo râu cẩn thận, sử dụng kem, kem dưỡng da hoặc gel để bảo vệ và bôi trơn da.
Lau khô sau khi tắm để bảo vệ độ ẩm vẫn còn trong da, sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp với loại da.
Chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm nhiều trái cây, rau, ngũ cốc, uống đủ nước.
Nghỉ ngơi hợp lý, có giấc ngủ đêm đầy đủ. Tránh stress, thử tập thể dục, thiền hoặc các hình thức thư giãn khác để không bị căng thẳng.

Phiên chợ 0 đồng trong bệnh viện

Hơn 40 gian hàng bánh mứt, gia vị, sữa, chăn mền... bán giá 0 đồng cho bệnh nhân khó khăn tại Bệnh viện Quận Thủ Đức ngày 12/1.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Quận Thủ Đức, cho biết hơn 500 người bệnh được ban tổ chức tặng 7 phiếu mua hàng, mỗi phiếu được mua một món. Bệnh nhân còn được cắt tóc, gội đầu, chụp hình lưu niệm, vẽ tranh, tô tượng...
Phiếu mua hàng phiên chợ 0 đồng tại Bệnh viện Quận Thủ Đức. Ảnh: T.N
Phiếu mua hàng phiên chợ 0 đồng tại Bệnh viện Quận Thủ Đức. Ảnh: T.N
Các món hàng đều thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày cho người bệnh như bánh, mứt, gia vị, mì gói, gạo, nếp, nước ngọt, sữa, trái cây, bột giặt, nước rửa chén, quần áo, chăn mền, dầu gội đầu, sữa tắm, kem đánh răng, nước súc miệng, rau củ quả...
Theo bác sĩ Quân, đây là lần thứ 5 bệnh viện tổ chức phiên chợ 0 đồng, định kỳ 2 lần mỗi năm. Lần này bệnh viện kêu gọi quyên góp được  khoảng 480 triệu đồng gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm.
Phiên chợ có gian hàng trò chơi "phân loại rác" nhằm tuyên truyền, vận động mọi người chung tay bảo vệ môi trường.
Bệnh nhân vui mừng với những mặt hàng từ phiên chợ giá 0 đồng. Ảnh: T.N
Bệnh nhân vui mừng với những mặt hàng từ phiên chợ giá 0 đồng. Ảnh: T.N
Các bác sĩ còn khám dinh dưỡng miễn phí, trao tặng xe lăn cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn... 
Phiên chợ cũng diễn ra hoạt động đấu giá hai bức tranh do mạnh thường quân ủng hộ, đưa vào quỹ chương trình "Nồi cháo yêu thương" với 300 suất cháo miễn phí sáng chủ nhật hàng tuần tại bệnh viện.
Ông Hà, 60 tuổi, đang điều trị bệnh thận tại viện, vui mừng với bao gạo, đường, nước mắm...  từ phiên chợ 0 đồng.
"Những thứ này giúp tôi đỡ đần phần nào trong mấy ngày sắp Tết", ông Hà nói.

Ý nghĩa dược lý trầu cau

Trầu cau vừa là nét đẹp văn hóa ngày Tết, vừa mang ý nghĩa về dược lý, hóa học, tạo ra nhiều bài thuốc trị liệu.
"Miếng trầu là đầu câu chuyện", tục ăn trầu cau từ xa xưa là một nét đẹp văn hóa truyền thống người Việt, trở thành một nếp sống đẹp. Tết đến xuân về, trầu cau còn được sử dụng làm quà tặng.
Miếng trầu chỉ là một món nhai chơi nhưng lại nhiều ý nghĩa. 
Cây trầu, quả cau
Cây trầu họ Hồ tiêu, lá có vị cay nồng, mùi thơm gắt, tính ấm, tác dụng hoạt khí, tiêu đờm, trừ phong thấp, tiêu viêm và sát trùng. Trong cuốn "Món ăn bài thuốc" của bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, người ta dùng lá trầu để trị đau bụng, đầy hơi, ợ hơi. Cách dùng như sau: hơ nóng lá trầu rồi đắp lên rốn hoặc vào các huyệt khí rồi dùng nhang hơ nóng phía trên. Việc hơ nóng có mục đích làm thuốc chất ngấm qua da vào phần trong để hành khí hoạt huyết.
Có người dùng lá trầu để đánh gió, trị cảm mạo. Cách dùng như sau: vò nát lá trầu, bọc vào trong miếng vải, nhúng nước sôi, đánh gió ở hai bên sống lưng (bàng quang kinh) với mục đích thông khí, đuổi tà khí. Cách này áp dụng cho trẻ em rất tốt vì da trẻ còn mỏng, không nên cạo gió.
Người ta còn dùng lá vò nát đắp quanh mụn nhọt, hoặc nấu nước tắm trị rôm sảy, ghẻ ngứa. Ngậm nước lá trầu trong miệng để trị bệnh viêm nha chu. Lá có các chất polyphenol kháng khuẩn, diệt được các khuẩn tụ cầu, trực trùng coli...
Trầu cau là một nét đẹp trong văn hóa người Việt. Ảnh: Flickr
Trầu cau là một nét đẹp trong văn hóa người Việt. Ảnh: Flickr
Đi liền với lá trầu không thể thiếu quả cau. Quả cau còn được gọi là bình lang, vị chát, hơi cay, tính ấm, đi vào các kinh tỳ vị, đại và tiểu trường. Quả cau có tính hạ khí, hành thủy, tác dụng sát trùng. Vỏ lợi tiểu. Hạt trị giun sán, bụng đầy chướng, tả lỵ. Trong quả cau còn có nhiều tanin và một alcaloit là arecolin. Hạt cau làm liệt thần kinh giun sán, giun sán không còn bám víu vào thành ruột được và dễ bị đẩy ra ngoài, dùng phối hợp với các thuốc khác.
Vôi ăn trầu
Vôi ăn trầu là vôi tôi để lâu. Calci hydronxyd hút CO2 để thành CaCO3 - vôi ăn trầu là hỗn hợp Ca(OH)2 và CaCO3, cho nên người rành ăn trầu không ăn vôi mới. Khi ăn trầu, dùng nhiều vôi có thể bị phỏng niêm mạc.
Phối hợp ba loại "trầu, cau, vôi" tạo thành một bài thuốc nhiều tính chất trị liệu, cũng như tạo ra nhiều hiện tượng hóa học và dược lý. Nhai nát lá trầu với cau rồi cho thêm một chút vôi tôi khiến miếng trầu có màu đỏ máu. Arecolin của hạt cau có tính kích thích tuyến nước bọt. Vì thế khi ăn trầu, phải luôn có ống nhổ kề bên để nhổ nước trầu, nếu khạc nhổ bừa bãi sẽ gây mất vệ sinh.
Arecolin của hạt có tác dụng làm chậm nhịp tim, tuy nhiên tính chất này bị triệt tiêu khi có muối vôi (Calci), do đó ăn trầu không sợ bị xáo trộn về nhịp tim. Đây cũng là một điều đáng ngạc nhiên khi ngày xưa, chưa ai biết làm thí nghiệm dược lý, chưa ai biết chất vôi ức chế tác dụng Arecolin thế nào. 
Miếng trầu từ lâu được biết đến công dụng bảo vệ hàm răng bởi lá trầu có tính chất sát trùng. Chất chát làm cho nướu răng co lại, ôm sát chân răng giúp hàm răng cứng, không bị lung lay. Tính sát trùng của lá trầu làm cho chân răng không bị sưng. Nhai trầu cũng là một tác động luyện tập hàm răng, cũng như người châu Âu nhai kẹo cao su. Đây là một phương pháp vật lý trị liệu rất hay.
Ăn trầu có thể ngừa nhiều bệnh, tuy nhiên cần lưu ý một số vấn đề. Bã trầu và miếng trầu dính kẽ răng làm mất thẩm mỹ. Nước trầu nồng và chát, làm cho vị giác hết tinh vi, không nhận biết được các vị khác, môi khô. Vì vậy, sau khi ăn trầu nên đánh răng súc miệng.